Những ai từng đặt chân đến miền sông nước Tây Nam Bộ đều ấn tượng sâu sắc với vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, của cảnh vật và con người nơi đây.
Nếu liệt kê những nơi nào có cuộc sống bình dị cùng những con người hồn hậu chất phát trên đất nước Việt Nam thì không thể không kể đến miền Tây. Nơi đây được xem là vùng đất của nước và được thừa hưởng những thứ đặc ân của đất trời.
1. Đôi nét về Miền Tây Nam Bộ
Miền Tây Nam Bộ (còn được gọi là Miền Tây) có vị trí ở đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Miền Tây gồm có 12 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long) và 1 thành phố trực thuộc Trung Ương (Cần Thơ).
Về khí hậu, địa chất của vùng miền này không giống với những vùng miền khác. Mưa thuận gió hòa, ít có xảy ra thiên tai và nhiệt độ trung bình 28 độ C. Có 2 mùa: mùa mưa tháng 5 – tháng 11, mùa khô tháng 12 – tháng 4. Tạo ra nét thú vị riêng từng mùa cho khách tham quan du lịch.
Hệ sinh thái rừng ngập nước ngọt (vườn quốc gia Tràm Chim, rừng Trà Sư, vùng Đồng Tháp Mười), hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc Gia U Minh Hạ), hệ sinh thái nông nghiệp.
2. Người dân Miền Tây Nam Bộ
Dân tộc sinh sống chủ yếu ở vùng miền này gồm người Kinh, Hoa, Khmer và người Chăm. Người Kinh chiếm đa số, còn lại là người Hoa tập trung ở tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Chăm; người Chăm sống chủ yếu ở An Giang; người Khmer có mặt đông đúc ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang.
Người miền Tây Nam Bộ ảnh hưởng lối sông miền sông nước. Vì vậy thực phẩm chủ yếu từ thủy sản dưới nước như tôm, cá, cua, ốc, lươn… Từ đó chế biến ra các món ăn như luộc, kho, chiên, nướng, hấp, nấu chua, nấu ngọt…
Về ngôn ngữ đời sống của người dân rất đa dạng và phong phú. Các từ ngữ thường dùng để chỉ sự vật như rạch, xẻo, láng, xáng, lung, bung, bưng, bàu, đìa; cù lao, cồn, bãi, bưng, biền, trấp; rong, nhửng, ương, giựt, ròng (sự vận động của nước); ghe, xuồng, tam bản, vỏ lái, tắc ráng…
Người miền Tây nổi tiếng phóng khoáng, rộng rãi, bụng dạ thật lòng. Khi muốn nói điều gì thì nói thẳng ra ngay chứ không vòng vo tam quốc như người bắc. Do sự chung sống hài hòa giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer tạo ra điều này. Mỗi dân tộc điều có phong tục tập quán riêng, tôn giáo riêng. Nhưng người miền tây vẫn sống hòa hợp với nhau, tôn trọng tín ngưỡng, phong tục lẫn nhau.
3. Du lịch về miền Tây Nam Bộ
- Du lịch An Giang: Nổi tiếng với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những khu rừng đa phong cách tuyệt đẹp của miền Tây sông nước, An Giang đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách. Bạn có thể tới An Giang vào bất kì thời điểm nào trong năm, tuy nhiên nếu bạn muốn tìm hiểu về văn hóa cũng như đời sống nhộn nhịp của người dân nơi đây nên tới vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch, vì đây là thời điểm diễn ra hai lễ hội lớn ở An Giang đó là lễ hội bà chúa xứ núi Sam (diễn ra vào ngày 23 đến ngày 24/4 âm lịch) và lễ hội đua bò đặc sắc diễn ra vào cuối tháng 8 âm lịch. Đến An Giang nếu như không được thưởng thức lẩu mắm thì coi như chưa đến An Giang, đây là món ăn nổi tiếng với hương vị đặc trưng mà bất kì du khách nào khi đặt chân tới An Giang đều muốn thưởng thức. Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn độc đáo khác như cơm nị, cà púa của người Chăm.
- Du lịch Bến Tre: Bến Tre, vùng đất nổi tiếng với những cù lao xanh ngắt trải dọc ha bên bờ sông đã là một trong những địa điểm làm say lòng biết bao du khách bởi vẻ đẹp đơn sơ, giản dị cùng với những con người dân quê chân chất, hiền lành. Ngày nay, Bến Tre đang là một trong số những lựa chọn của du khách cho những chuyến nghỉ dưỡng hay du lịch. Nó được mệnh danh là xứ dừa, vì nơi đây trồng nhiều dừa nhất Việt Nam. Ngoài ra, thì Bến Tre cũng có nhiều loại vườn cây ăn trái xum xuê quả. Là nơi cung ứng nguồn trái cây cho các tỉnh khác, nhất là ở miệt Chợ Lách, Châu Thành. Bạn có thể đi theo Tour du lịch miền tây 1 ngày, Tour vào vườn cây trái Cái Mơn, tham quan cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Tiên, sân chim Vàm Hồ…
- Du lịch Cà Mau: Cà Mau quê hương của Bác Ba Phi, là thành phố trẻ 300 năm, là cực nam Việt Nam với 3 mặt tiếp giáp biển. Điểm hấp dẫn của Cà Mau là các đình quán cổ, khu di tích lịch sử, và tham quan vườn chim trong Rừng U Minh. Đặc sản nổi tiếng của Cà Mau phải kể đến mắm cá lóc, ba khía, tôm cua sò… Là khu vực tồn tại nhiều rừng ngập mặn, rừng ngập nước, bạt ngàn rừng ngập mặn nên có tiềm năng về du lịch sinh thái. Đây là nơi tạo ấn tượng với du khách ở cột mốc ghi dấu điểm cuối của Việt Nam. Bạn có thể tham quan khu rừng U Minh, các vườn chim Cà Mau, mũi Cà Mau, đảo Hòn Khoai… khi đến Cà Mau.
- Du lịch Cần Thơ: Có vị trí thuận lợi làm trung tâm của các tỉnh miền tây, Cần Thơ là điểm đến thú vị dành cho du khách trong và ngoài nước khi tập trung đẩy đủ những nét đặc trưng của một vùng đất miền sông nước. Cần Thơ là một đô thị lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới kênh rạch chằng chịt kết hợp sự nhộn nhịp của chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm, vườn trái cây trĩu quả và kiến trúc độc đáo của nhà cổ. Về nơi đây mọi người thường đi chợ nổi Cái Răng trước tiên. Ngoài ra thì vùng này cũng có nhiều vườn trái cây cho bạn tham quan. Nó được xem là Tây Đô của thời trước, là trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất tại đồng bằng sông Cửu Long. Khi du lịch Cần Thơ, bạn có thể tham quan vườn cò Bằng Lăng, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, nhà cổ Bình Thủy, miệt vườn Cần Thơ… Tất cả tạo nên vẻ đẹp sông nước đặc biệt không lẫn vào đâu, khiến người ta truyền tai nhau rằng:
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi tới đó lòng không muốn về”.
- Du lịch Đồng Tháp: Vùng Đồng Tháp Mười đẹp nhất là mùa nước nổi. Nếu bạn về đúng mùa này thì sẽ cảm nhận hết từng con nước lên, nước xuống ở miền Tây. Có thể hiểu thêm về văn hóa miền sông nước qua khung cảnh thiên nhiên, qua món ăn, qua đời sống thường ngày của người dân Đồng Tháp. Những cánh đồng phì phiêu, cánh đồng sen thơm mát, được đi xuồng ba lá, được dạo chơi ngắm cảnh vùng “lóng lánh cá tôm”… là những điều đặc trưng tại nơi đây. Các địa điểm tham quan ở đây gồm Lăng cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, khu di tích Gò Tháp, vườn sếu quý hiếm ở Tam Nông, vườn quốc gia Tràm Chim, làng hoa kiểng Sa Đéc…
- Du lịch Hậu Giang: Hậu Giang được tách ra từ Cần Thơ cũ. Cho nên nó cũng được xem là trung tâm giao thương của các tỉnh miền Tây. Khi đi du lịch về Hậu Giang, có thể tham quan chợ nổi Phụng hiệp (chợ nổi Ngã Bảy), di tích Long Mỹ, khu căn cứ tỉnh ủy… Du lịch Hậu Giang hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp bình dị với bức tranh đồng quê thanh bình với những ruộng lúa bát ngát, kênh rạch trù phú và cuộc sống yên ả, lặng lẽ. Đến Hậu Giang, bạn sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của miền Tây sông nước ruộng đồng, của thiên nhiên tươi đệp và cả những chiến tích lịch sử hào hùng.
- Du lịch Kiên Giang: Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hoá và du lịch nổi tiếng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến Kiên Giang, du khách có vô vàn lựa chọn cho chuyến du hành của mình, nổi bật trong đó là những điểm đến hấp dẫn như thắng cảnh Hà Tiên, đảo Ngọc Phú Quốc, thành phố Rạch Giá hay rẽ sóng khám phá vẻ đẹp hoang sơ của quần đảo Nam Du xinh đẹp.
- Du lịch Long An: Long An là cửa ngõ nối liền hai vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long nên Long An có nhiều điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Nó có nhiều di tích tiền sử và gần 100 di chỉ văn hóa Óc Eo được phát hiện, các di tích nổi tiếng như là Bình Tả, nhà Trăm Cột, chùa Tôn Thạnh. Bạn có thể ghé khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười để thưởng thức các món ngon đặc sản miền Tây.
- Du lịch Sóc Trăng: Sóc Trăng là một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, nằm ngay cửa nam sông Hậu. Nơi đây có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc hoa – kinh – khmer và người chăm bản địa, do vậy Sóc Trăng có những tín ngưỡng và phong tục độc đáo. Bạn có thể du lịch Sóc Trăng vào bất kì thời gian nào trong năm, vì khí hậu được chia thành 2 mùa khô và mùa mưa (mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 – tháng 10 và mùa khô kéo dài từ tháng 11 – tháng 4 năm sau). Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26 độ C và rất ít khi có bão lũ. Ngoài ra ở đây nổi tiếng rất nhiều ngôi chùa có lịch sử lâu dài. Như chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu… Đến du lịch Sóc Trăng ngoài tham quan các danh lam chùa chiềng. Bạn còn có thể đến khu du lịch Bình An, thăm chợ nổi Ngã Năm. Hay đi một chuyến đến các cù lao có những vườn cây trái oằn cành.
- Du lịch Tiền Giang: Tiền Giang không chỉ là một trong những vựa cây trái lớn nhất của miền Tây nam bộ mà còn là nơi có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo khiến du khách phải say mê mỗi lần đến thăm du lịch Tiền Giang. Sau đây là 8 địa điểm du lịch bạn không thể bỏ qua nếu đã một lần đến với du lịch Tiền Giang. Về Tiền Giang, bạn sẽ có cơ hội chèo xuồng ba lá ngắm cảnh sông Tiền. Tiền Giang chia thành ba vùng rõ rệt vùng cây trái ven sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười và vùng ven biển Gò Công. Bạn có thể tham quan các địa điểm nổi tiếng như Cồn Thới Sơn, miệt vườn Cái Bè, chợ nổi Cái Bè, chùa Vĩnh tràng, trại rắn Đồng Tâm…
- Du lịch Trà Vinh: Trà Vinh là vùng đất có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo của dân tộc Khmer, dân tộc Kinh và người Hoa. Những ngồi đền, chùa rải rác khắp tỉnh chính là điểm nổi bật của Trà Vinh. Ngoài ra với những bãi biển, cù lao trái cây rộng lớn và hệ sinh thái đặc trưng của rừng ngập mặn cũng khiến cho Trà Vinh trở thành một nơi thích hợp để có một chuyến du lịch thú vị tại mảnh đất này. Một lựa chọn lí tưởng dành cho những du khách yêu thích loại hình du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái. Hội tụ nhiều ngôi chùa đẹp và cổ kính của người Khmer, người Việt, người Hoa. Có khoảng 140 ngôi chùa của người Khmer, 50 ngôi chùa của người Kinh và 5 ngôi chùa của người Hoa, trong đó các chùa nổi tiếng là chùa Âng, chùa Cò, chùa Hang… Du lịch hành hương về nơi đây bạn có thể tham quan các ngôi chùa này hoặc đến những điểm du lịch khác ở Trà Vinh như Ao Bà Om, bãi biển Ba Động…
- Du lịch Vĩnh Long: Đến Vĩnh Long, bạn sẽ có dịp lênh đênh cùng sông nước Miền Tây. Chu du đi giữa màu xanh thiên nhiên với những vườn cây trái xanh mướt, trĩu quả. Các địa điểm du lịch nổi tiếng ở đây như khu du lịch sinh thái – trang trại Vinh Sang, cù lao An Bình, Văn Thánh miếu, chùa Tiên Châu…
4. Ẩm thực miền Tây Nam Bộ
Có lẽ chính đặc điểm là nơi có nguồn sản vật vô cùng phong phú mà miền Tây Nam Bộ từ lâu đã hình thành nên một nền ẩm thực với những món ăn độc đáo, được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích.
Nguyên liệu chế biến món ăn độc đáo, công thức chế biến đơn giản nhưng làm nổi bật hương vị món ăn… những yếu tố này kết hợp cùng những đặc trưng lễ hội đã tạo nên một nét đẹp riêng, hấp dẫn lòng người cho vùng đất này. Để hiểu hơn về văn hóa lễ hội, ẩm thực và con người miền Tây Nam Bộ.
Nếu ẩm thực miền Bắc thiên về vị mặn đậm đà, ẩm thực miền Trung thiên về vị cay nồng kích thích thì ẩm thực miền Tây Nam Bộ lại thiên về vị ngọt dịu nhẹ. Người miền Nam, Tây Nam Bộ thích ngọt, dường như, tất cả các món ăn do người miền Tây Nam Bộ chế biến đều có một vị ngọt thanh tao mà khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được chúng đầu tiên. Nơi đây cũng là cái nôi ra đời các món chè nổi tiếng như: chè bà ba, chè bưởi, chè đậu…
Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy hải sản phong phú, các loại rau, củ, trái cây là đặc sản nổi danh. Chính vì thế, hầu hết các món ăn của người dân miền Tây Nam bộ chế biến đều sử dụng các nguyên liệu thuần thiên nhiên, sạch sẽ mà tinh khiết. Mùa nước cạn, người ta yêu thích các món ăn từ cá lóc, cá chạch, lươn. Đến mùa nước nổi, lẩu cá linh bông điên điểm, cá heo kho tộ là món ăn nổi bật… Đặc biệt, do phù sa bồi đắp, các loại rau củ ở miền Tây Nam Bộ cũng vô cùng tươi tốt, chế biến món ăn từ rau mọc tự nhiên là một điểm đặc trưng của ẩm thực nơi đây.
0 comments:
Post a Comment